6075d1c7ee798
6075d1c7ee798
Thật ra cả miền Nam ai cũng biết tới món bánh bèo bì, thì cần gì phải đi đến Bình Dương để thưởng thức món ăn xưa nay vốn là món bình dân. Ấy vậy mà Tường Vân rất hào hứng nói: “Em có cô bạn, sẵn sàng một chiếc Mazda bảy chỗ, bốn giờ chiều anh nhớ tới, anh em mình đi Bình Dương ăn bánh bèo bì.”
Trong ký ức của tôi, Bình Dương chỉ là miệt cầu Ngang, nơi ngày còn đi học, vào những ngày chủ nhật, tôi “cõng” cô nàng cùng lớp hoặc cô tiểu thư hàng xóm trên chiếc xe đạp, ì ạch dặm đường gió bụi đến Lái Thiêu, “chun” vô vườn, kiếm gốc cây rậm rạp để ngồi ăn măng cụt, chôm chôm, bòn bon, đặc sản của Lái Thiêu-Bình Dương thời ấy.
Ngày đó, trong túi tôi lúc nào cũng đem theo chai dầu Nhị Thiên Đường để khi các nàng bị kiến cắn có cái mà thoa lên làn da trắng xuân thì của quý nương. Ngày đó, có lúc tôi đi qua chợ Búng, nghe nói chợ này có món bì bún ngon lắm. Có lúc túi cũng rủng rỉnh chút tiền, định bụng mời các em món bì bún cho biết với người ta, nhưng kỳ cục thay chưa lần nào thực hiện được. Lý do đơn giản là chỉ sau khi mặt trời lặn, chợ tan, tôi mới tìm thấy lối ra khỏi vườn cây xanh trái ngọt. Ngu sao ngồi với con gái mà về sớm.
Ngày nay, dân khấm khá ở Sài Gòn ai cũng có đất vàng, đất bạc ở Bình Dương, riêng một số “bạn nghèo cũ” của đất Bình Dương, nếu nay vẫn còn nghèo mà có dịp trở lại, đi lớ ngớ là lạc đường.
Trên chiếc xe do chính chủ nhân, Yến, một thiếu phụ Hà Nội, người có gương mặt buồn rười rượi cầm lái, chúng tôi hướng về Bình Dương. Buổi chiều xuân muộn ở hướng đông bắc Sài Gòn, mây và gió cũng thấp thoáng sắc u hoài không duyên cớ.
Ba người: Yến, Vân và Nguyên là không có ký ức về món bánh bèo bì, và đất, gió Bình Dương. Trong khi tôi, Nguyễn Viện, anh diễn viên gạo cội Trần Quang và Văn Phương, mỗi người một mẩu chuyện hướng về những góc thơ mộng ký ức Bình Dương xưa. Không cần phải gọi, vùng ký ức này cũng tự nhiên thấp thoáng món bánh bèo bì.
Ký ức không có tuổi, ký ức về một món ăn lại hoàn toàn là một đứa bé. Với đứa bé ấy, cảnh vật có thể khác, nhưng nước miếng thèm ăn, hương vị kích thích từ một món ngon cũ không bao giờ khác.
Và từng ấy con người tuổi trung niên ngồi trong chiếc xe, mỗi người đều có riêng một “khẩu cảnh” với món bánh bèo bì. Nhưng với riêng người tình đầu” thì nỗi hào hứng dễ bốc hơn. Không chọn rộn sao được khi “danh và vị của món ăn này, ngày nay, đã là một thứ “báu vật” của một địa phương nổi tiếng hào phóng không kém gì Sài Gòn. Không nôn nao sao được khi mà món bánh bèo, món bún mỗi vùng mỗi khác, nôn nao muốn thấy “dung nhan” của cô nàng bánh bột gạo ở đất “Người đẹp Bình Dương đã đưa minh tinh Thẩm Thúy Hằng thành ngôi sao.
Quán bánh bèo bì Mỹ Liên Chúng tôi đến Bình Dương lúc năm giờ. Dù là dân đô thị quen ăn muộn, ngủ trễ, nhưng không ai tránh được chuyện chuông đồng hồ sinh học kêu đói bụng réo lên vào lúc chim chuẩn bị về tổ, gà vô chuồng. Nguyễn Viện, ngồi phía trước, nhà văn “dễ thương vô bờ” khi đưa ra phác thảo kế hoạch ăn uống. Nguyễn Viện nói: “Bình Dương có hai quán bánh bèo bì nổi tiếng. Kế hoạch của mình là vào quán mới, tên là Mỹ Liên, quán này nghe nói trẻ tuổi hơn, mới xây lại, nhưng ngon hơn nên mình vào ăn bánh bèo trước. Sau đó mình đến quán 60 năm tuổi ăn bì bún. Cả chuyến đi này chỉ ăn bánh bèo với bì bún nên để dành bụng mà ăn.”
Nằm ngay bên đường vào thị xã Thủ Dầu Một, quán Mỹ Liên thoạt trông chỉ thấy giống một tiệm chạp phố. Chiều thứ bảy khách ăn đông như đi chùa ngày rằm. Đời nay là vậy, nếu gặp cảnh người xe nườm nượp thì y như rằng nếu không là trung tâm nhậu nhẹt thì đích thị là quán ăn ngon.
Trong quán, tầng trệt, tầng lửng, lầu một hết bàn, may mà chúng tôi còn “giành” được cái bàn ở tầng trên cùng. Lúc lên cầu thang nhìn xuống gian bếp, thấy lủ khủ thau, thùng đựng rau tươi, bún, bì, bánh tráng, người nhà bếp có hơn cả chục, ai cũng hối hả, lăng xăng. Rồi đi qua từng tầng, nhìn cảnh khách ngồi ăn, ngồi chờ. Toàn cảnh quán Mỹ Liên này khiến chúng tôi hình dung đến đám giỗ của một gia đình nhà giàu tỉnh lẻ.
Lúc người đàn ông phục vụ đến kêu chúng tôi gọi món, tất nhiên là chúng tôi gọi “Cho bảy dĩa bánh bèo!” Và chính người đàn ông ấy cho chúng tôi biết quán này có trên 100 năm tuổi. Khởi nghiệp bán bánh bèo, bún bì là một người đàn bà với mỗi cái gánh hàng rong bên đường. Bà bán cho khách ăn ngồi chồm hổm không kịp, nên từ từ kê bàn lúp xúp lấn vô sân, rồi sau đó vô nhà trên nhà dưới, đến đời nay thì mới lên lầu.
Người đàn ông phục vụ có miệng cười thấy hai hàm răng này nói: “Bà chủ quán hiện nay đã 63 tuổi, bà là cháu ngoại của bà gánh bánh bèo hồi xưa. Mấy anh cứ tính ra thì biết cố cựu cỡ nào.”
Theo lời ông bán hàng này kể, quán Mỹ Liên mới thật là quán bánh bèo bì xưa nhất ở đất Thủ Dầu Một. Chúng tôi thấy kiến thức “lịch sử bánh bèo bì” ở đất Bình Dương của mình là sai. Thiệt tình mà nói, xứ mình đều có nhà sử học ẩm thực hay bộ từ điển món ăn nào đâu để tra cứu. Về văn minh ăn uống ai đồn sao nghe vậy, dẫu có trật lất trật lơ cũng đâu có gì mắc cỡ!
Nhưng khi nghe tin bánh bèo, bún bì của quán này năm 1999 được tỉnh Bình Dương cử đi thi món ngon cả nước và trúng giải nhất, được cấp bằng lồng kính, treo lên tường hẳn hoi thì đương nhiên thực khách tứ phương ưng chuyện ăn ngon mà thiếu kiến thức ắt cũng phải trầm trồ. Ra vậy! Dân Nam kỳ bán đồ ăn vốn coi trọng việc tiếng khen của thực khách hơn là chuyện lòe cái bằng chứng nhận hạng “dzách lầu”. Nhưng một khi chủ quán chịu trưng lên cho bá tánh xa gần biết cái “miếng giấy” đó, ắt là phát xuất từ lòng tự hào hơn là nhu cầu bon chen cạnh tranh thời buổi kinh tế thị trường bát nháo.
6075d1c7ef0f1
6075d1c7ef0f1
Để lại một bình luận