Flash Loan – Con dao 2 lưỡi của thị trường DeFi?

Flash loan là thuật ngữ không quá xa lạ với những ai quan tâm đến kỹ thuật, đặc biệt là các lập trình viên trong lĩnh vực DeFi. Song với nhiều nhà đầu tư cá nhân, thuật ngữ này vẫn là khá xa lạ. Flash loan là gì, những cái tên nào đang đi đầu trong mảng phát triển này và tiềm năng của nó là như thế nào? Hãy cùng Coin68 tìm hiểu qua bài viết dưới đây để tự đưa ra những quyết định đầu tư thật đúng đắn cho cá nhân mình nhé!!!

Flash loan là “vay nóng” hay “vay nhanh”?

Khác với các thuật ngữ đơn giản, vốn có thể mô tả bằng một dòng, Coin68 xin phép được mô phỏng về quá trình thực hiện flash loan, nhằm giúp bạn đọc phần nào nắm được khái niệm trước khi chúng ta đi sâu vào vấn đề nhé.

Quy trình flash loan gồm 3 bước cơ bản:

  • Vay tài sản X ở một nền tảng DeFi A
  • Sử dụng tài sản X này để tạo ra lợi nhuận ở một nền tảng DeFi B
  • Sau đó hoàn trả phần gốc và lãi cho số tiền bạn đã vay ở nền tảng A
Nguồn: "Towards A First Step to Understand Flash Loan and Its Applications in DeFi Ecosystem"
Nguồn: “Towards A First Step to Understand Flash Loan and Its Applications in DeFi Ecosystem”

Nhiều người sẽ thắc mắc, ơ thế có cần thế chấp tài sản để vay ở nền tảng A không? Câu trả lời là không. Bởi vì tất cả các bước nêu trên đều được thực hiện trong cùng một smart contract – hiểu nôm na khi bạn bấm nút triển khai hợp đồng thông minh, bạn đã vừa vay và vừa trả nợ luôn trong một nốt nhạc.

Với các yêu cầu kỹ thuật, nếu không trả tiền ngay trong khối giao dịch đó, hệ thống sẽ tự đánh “fail” cho giao dịch của bạn, từ đó bước mượn tiền cũng không được thực hiện và rất khó có thể tận dụng lỗ hổng ở khâu này để đánh cắp tiền.

Theo mô phỏng quy trình ở trên, bản thân mình nghĩ flash loan sẽ được giải thích tốt hơn bằng từ “vay nhanh”, vì hình thức này sẽ không có mức lãi suất quá cao, không yêu cầu thế chấp mà khái niệm “vay nóng” thường được hiểu. Nhưng, nếu bạn đã hiểu được quy trình của flash loan, thì Coin68 nghĩ cách tốt nhất vẫn là để nguyên từ này trong tiếng anh, để tránh những hiểu lầm không đáng có khi trao đổi.

Flash loan thì có ích lợi gì?

Nói cũng dài dòng rồi, chắc nhiều người sẽ thấy smart contract rồi quy trình ở trên quá lằng nhằng và thắc mắc “thế có cơ hội gì từ cái flash loan này?”. Hãy điểm qua những cách mà flash loan có thể được dùng để kiếm lợi nhuận nhé.

Arbitrage

Arbitrage (tạm dịch: giao dịch ăn chênh lệch) là khi các lập trình viên thấy giá tài sản X trên nền tảng A (ví dụ là 1200 USD) cao hơn trên nền tảng B (ví dụ là 1000 USD), họ có thể vay ở B, bán ở A, rồi sau đó về lại B hoàn trả X. Lợi nhuận bây giờ là 200 USD, tất nhiên là chưa trừ đi phí giao dịch.

Đây là hình thức ứng dụng phổ biến nhất của flash loan. Tính theo dữ liệu từ tháng 02/2020 của Aave, tỷ trọng sử dụng flash loan cho giao dịch chênh lệch giá chiếm khoảng 80%.

Nguồn: Emilio Frangella
Nguồn: Emilio Frangella

Tái cấu trúc khoản vay

Nhu cầu thứ hai là để tái cấu trúc lại khoản vay, gồm 2 loại: (a) đổi tài sản thế chấp(b) đổi nền tảng thế chấp.

(a) Collateral Swap: Chuyển đổi từ tài sản thế chấp A sang tài sản B một cách dễ dàng. Ví dụ, bạn đang thế chấp bằng ETH, muốn chuyển sang thế chấp bằng BAT thì có thể dùng flash loan để vay -> nạp tiền đã flash loan vào nền tảng để lấy lại ETH đang thế chấp -> bán ETH -> mua BAT để tạo lệnh thế chấp mới và cuối cùng là hoàn trả lại khoản vay flash loan ban đầu.

(b) Thay đổi nền tảng vay: Ngoài dịch chuyển từ một tài sản thế chấp này, sang tài sản thế chấp khác, flash loan còn cho phép bạn dịch chuyển khoản vay của mình từ nền tảng A (ví dụ là Maker) sang nền tảng B (ví dụ là Compound) một cách thuận lợi mà không cần nạp thêm tài sản thế chấp vào.

Liquidation (thanh lý)

Nhiều nền tảng lending sẽ phạt người dùng 3 đến 15% nếu tài sản thế chấp của bạn giảm dưới ngưỡng cho phép và bị thanh lý.

Do đó, việc có một đoạn lập trình giúp “tự thanh lý” bằng flash loan là vô cùng hữu ích. Khi thị trường giảm xuống mức bạn muốn thanh lý, lệnh bán ra này sẽ được kích hoạt và giúp bạn tránh việc bị phạt bởi nền tảng.

Dù gì thì mức phí giao dịch 0,09% vẫn tốt hơn rất nhiều so với việc bị phạt tới 15% phải không nào?

Vì sao flash loan chưa quá phổ biến?

Quá rõ ràng để nhận thấy, yếu điểm đầu tiên của flash loan là nó hết sức phức tạp và không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để nghiên cứu cũng như hiểu biết cặn kẽ về hình thức này.

Yếu điểm thứ hai chính là việc flash loan phổ biến hơn với giới lập trình viên, những người có thể tận dụng các cơ hội mua bán chênh lệch nhanh với con bot do mình tự tạo lập. Chưa có quá nhiều công cụ hỗ trợ tập người dùng phổ thông tiếp cận sản phẩm này.

Tiếp đó, Flash loan vô tình làm khuếch đại lỗ hổng cũng như hạn chế của oracle hiện tại, dẫn đến việc hàng loạt nền tảng bị tấn công flash loan. Tuy nhiên, điều này một phần đến từ hạn chế của các chỉ số giá oracle chứ không hoàn toàn là lỗi của hình thức flash loan này. Dưới đây là các dự án từng bị tấn công flash loan trong thời gian vừa qua.

Ngày

Dự án

Tổng thiệt hại

15/02/2020

bZx

~ $350.000

18/02/2020

bZx

~ $633.000

06/11/2020

CheeseBank

~ $3,3 triệu

15/11/2020

Value DeFi Protocol

~ $5 triệu

17/11/2020

Origin Dollar

~ $7 triệu

17/12/2020

Warp Finance

~ $7,7 triệu

“Flash loan attack” (hay tấn công flash loan) là thủ thuật mà các hacker sẽ dùng lỗ hổng oracle, đẩy giá stablecoin lên cao để đánh lừa nền tảng cho vay rằng họ đã hoàn trả đầy đủ. Tất nhiên, đó chỉ là con số ghi nhận trên nền tảng cho vay, chứ thực tế thì các hacker không trả token mà đã cao chạy xa bay.”

Kì vọng gì ở các sản phẩm Flash loan

Với những ứng dụng đề cập ở trên, dễ dàng nhận thấy, nhu cầu của flash loan sẽ càng lớn mạnh nếu mảng lending trên DeFi phát triển. Nhìn lại Total Value Locked (TVL hay tổng giá trị được khoá trên nền tảng) của mảng DeFi, một xu hướng tăng xuất hiện một cách vô cùng rõ rệt.

Tổng giá trị được khoá trên các nền tảng lending. Nguồn: DeFiPulse
Tổng giá trị được khoá trên các nền tảng lending. Nguồn: DeFiPulse

Chúng ta cũng đang dần thấy độ phủ của các dự án hỗ trợ flash loan trở nền dày hơn. Các nền tảng cung cấp dịch vụ flash loan phổ biến có thể kể đến như:

  • Aave: với 17 token được hỗ trợ cùng mức phí giao dịch 0.09%. Đây được coi là sản phẩm đi đầu trong công cuộc phát triển dịch vụ flash loan.
  • dYdX: 3 token được hỗ trợ và không tốn phí.
  • Uniswap V2: hơn 100 token được hỗ trợ cùng mức phí 0.3%.

Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm giúp đem flash loan đến gần với người dùng phổ thông hơn như Furucombo, dự án đóng vai trò như lớp tương tác trên cùng với user. Furucombo cũng đã hợp tác cùng Uniswap lẫn Aave, những cái tên sẽ hỗ trợ ở lớp giao thức cho mô hình sản phẩm mới này.

Mới đây, trong tháng 04/2021, một cái tên vừa IDO là Equalizer Finance (EQZ) cũng đang có tham vọng xây dựng một thị trường ổn định cũng như công bằng cho hoạt động flash loan.

Bên cạnh đó, Binance dường như cũng đang có những động thái quan tâm đến việc phát triển flash loan trên hệ sinh thái BSC của mình sau khi kênh “Binance Chain Community” đăng tải dòng tweet về Cream Finance.

Như vậy là chúng ta đã cùng tìm hiểu những khái niệm đơn giản nhất về flash loan cũng như những thông tin mới nhất về hình thức sản phẩm này. Hi vọng bài viết trên đây sẽ đem lại góc nhìn mới cho quý độc giả. Coin68 rất cảm kích vì có thể được đóng vai trò trung gian, manh thị trường DeFi đến gần hơn với quý bạn đọc.

Lưu ý: Bài viết trên đây chỉ mang tính chất thông tin và không được xem là lời khuyên đầu tư.

Coin68 tổng hợp

Có thể bạn quan tâm: