Top 10 món ngon trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc cần có như: gà cúng giao thừa, bánh chưng, giò, dưa hành, thịt đông, xôi gấc, bóng nấu thập cẩm, chân giò ninh măng, nem chả…
- Ngày tết nên làm những món gì?
- Mâm cỗ ngày Tết miền Nam gồm những món gì?
- Món ăn ngày tết miền trung gồm những gì?
Những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc
Gà cúng giao thừa
Trong mâm cỗ Tết của người Việt, cho dù bạn làm thêm bất cứ món ăn gì đi chăng nữa thì cũng không thể thiếu được bánh chưng, thịt gà. Nếu bánh chưng bánh tét là món ăn buộc phải có trong mâm cỗ Tết của các vùng miền. Thì với người miền Bắc, ngoài bánh chưng ra, thịt gà cũng là món ăn không thể thiếu.
Nguyên liệu:
Để có một con gà cúng đẹp trên mâm cỗ Tết, người nội trợ cần chọn gà rất kỹ: con gà sống phải có mào phải đỏ tươi nhú cao đều nhau, lông mượt, nhanh nhẹn, da căng vàng ức đầy, chân nhỏ.
Cách làm:
- Khi gà mua về cắt dây trói chân, thả vào chuồng hoặc vào lồng 2-3 giờ để gà đi lại cho máu không tụ ở chân, sau đó mới dùng dao sắt cắt một nhát ( không cắt quá sâu đứt cả cổ gà, ra ít tiết sẽ bị thâm đen) hứng tiết vào bát cho thêm một chút nước cho xốp. Khi cắt tiết không cầm quá chặt ở phần đầu làm tụ máu, đầu gà bị đen, khi gà chảy hết tiết mới bỏ vào chậu, nếu gà chưa chết hẳn gà sẽ đập mạnh cánh bị gãy không tạo được con gà đẹp trên mâm cỗ Tết.
- Nhúng gà vào nước nóng khoảng 70 độ C (pha 4 phần nước sôi 1 phần nước lạnh) nếu nước sôi 100 độ C, gà non dễ bị rách da. Nhổ sạch lông, bóc màng chân, bóc vỏ sát muối toàn thân để tẩy hết mùi của lông, rửa nhiều lần cho sạch.
- Mổ gà phải mổ moi: cắt đứt đoạn da ở diều, lôi diều và cuống họng ra, cắt ngang bụng dưới cách hậu môn 2-3 cm ( vết cắt dài khoảng 4 cm), lấy nội tạng ra, khoét hậu môn để lòng rời khỏi thân gà. Sau đó làm lòng sạch để ráo nước. Dùng lạt buộc cổ giữa hai cánh gà, định hình như gà còn sống cổ vươn cao, hai cánh xoè như hai cánh tiên, đôi chân cài vào trong bụng cho gọn như vậy khi luộc lên, mâm cỗ Tết mới được đẹp mắt.
- Luộc gà phải chọn nồi sâu lòng, cho nước vào nồi ước lượng đủ ngập gà, đặt lên bếp nóng khoảng 50 độ C, gà cho muối gừng hành đập dập, rồi cho gà vào luộc. Lưu ý đặt gà nằm sấp khi chín mới đẹp.
Đậy vung đun lửa vừa, khi bắt đầu sôi, hạ nhiệt độ nước sôi lăn tăn, cho tiết lòng vào luộc. Khi gà nổi lên, nước có nhiều váng béo, dùng tăm xiên thử vào đùi gà, thấy nước tiết ra không đỏ là gà đã chín. Vớt ra nhúng gà vào nước đun sôi để nguội, rửa sạch da gà, để ráo nước. Xoa một chút mỡ gà tạo da gà: béo vàng mọng (để lâu da không bị co nhăn nheo).
- Đặt gà lên đĩa to, tháo dây bầy ngay ngắn, mỏ cài bông hoa hồng đỏ rực (tiết, lòng bầy dưới bụng), bầy thêm một đĩa muối tiêu, chanh ớt thái mỏng và một ít lá chanh thái chỉ cho thêm phần hấp dẫn.Làm được con gà như ý, mâm cỗ tết của gia đình bạn sẽ rất đẹp mắt tươm tất.
2. Xôi gấc
Ngày Tết, đĩa xôi gấc có màu đỏ rực rỡ, mang lại nhiều may mắn nên xôi gấc thường là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ Tết từ lâu đời. Ngày nay, người miền Bắc có thể thay bằng các loại xôi khác, nhưng nếu làm đúng mâm cỗ Tết truyền thống là phải cúng xôi gấc.
Nguyên liệu: (3 đĩa)
– Gạo nếp 1000 gam: gạo nếp chọn loại nếp cái, hạt trắng, mẩy đều, không lẫn gạo tẻ, không có hạt mốc đen, không có trấu và mọt, cắn hạt gạo giòn tan, không có vị đắng vị lạ, ngửi thơm đặc trưng của gạo nếp mùa mới.
– Gấc chín đỏ (một quả to khoảng 500 gam)
– Mỡ gà 50 gam, đường kính 100 gam, muối (một thìa nhỏ), rượu trắng (một chén con).
Cách làm:
- Gạo nếp vo đãi sạch, ngâm từ 6- 8 giờ vớt ra dội lại nước lã, để ráo nước cho muối trộn đều.
- Gấc chọn quả chín đỏ tươi vỏ mỏng gai thưa ( còn gọi là gấc nếp) bổ đôi lấy ruột, cho 2/3 số rượu vào đánh nhuyễn, rồi trộn với gạo.
- Đặt nồi đồ xôi lên bếp (đổ nước nửa nồi đáy), khi nước bốc hơi, đổ gạo từ từ nhẹ tay, đậy kín đun to lửa khoảng 40 -45 phút, hạt xôi nở mọng và trong , gấc chuyển sang màu đỏ vàng là xôi chín. Cho đường vào và vẩy nốt số rượu còn lại vào đảo đều, đậy vung đun tiếp khoảng 5 phút nữa để đường tan ngám vào xôi.
- Bắc ra nhặt hạt gấc bỏ đi, đơm vào đĩa hoặc nén vào khuôn tuỳ ý.
Xem thêm: Cách nấu xôi gấc ngon bằng nồi cơm điện tại nhà
3. Bánh chưng
Bánh chưng xanh là linh hồn của ngày Tết cổ truyền, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay khéo léo của con người, đặc biệt đây là món ăn ngày Tết miền Bắc không thể thiếu. Trên bàn thờ tổ tiên người miền Bắc dịp Tết không thể thiếu cặp bánh chưng xanh. Ngày nay, khi xã hội phát triển hiếm có hay rất khó tìm gia đình nào gói bánh chưng ngày Tết nhưng bánh chưng mua về cũng phải là loại ngon nhất.
Gạo nếp phải chọn dẻo thơm nhất để lâu không bị lại gạo. Nhân bánh thường có thịt, đậu, hành khô, hạt tiêu. Bánh phải gói chặt tay, sau khi luộc suốt 14 tiếng vớt ra rửa qua nước lã rồi dùng một tấm ván cùng những vật nặng ép chặt bánh. Như vậy khi cắt bánh ăn không nát lại dẻo, cắn vào miệng bánh thơm lại bùi.
Xem thêm: Những địa chỉ mua giò chả bánh chưng ngon ở Hà Nội không thể bỏ qua
Dưa hành
Dưa hành thường được sử dụng như một món ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều mỡ (thịt đông, thịt kho Tàu, thịt luộc) cho đỡ ngán trong những ngày Tết. Vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành vừa giúp gia tăng hương vị vừa giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn.
Trước hết, bạn cần lựa loại hành già, củ chắc, cắt bỏ phần đuôi chỉ chừa lại phần rễ. Sau đó, ngâm hành vào trong nước tro có pha hàn the trong khoảng thời gian 2 ngày 2 đêm. Tiếp theo, vớt hành ra, cắt bỏ rễ, lột vỏ chỉ còn lại khoảng 5cm rồi xếp hành vào khạp, rải muối, bỏ một lớp mía chẻ mỏng, rồi đến lớp hành gài lại bằng những vỉ tre. Sau 2 tuần, bạn có thể lấy hành ra cho vào keo thủy tinh, rồi nấu nước dấm đường để nguội cho vào. Khoảng 3 ngày là ăn được.
Xem thêm: Cách muối dưa hành trắng giòn không bị hăng cho ngày Tết
Giò nạc, giò thủ
Đối với người Việt Nam, trong mâm cỗ ngày Tết từ xưa đến nay, đĩa giò, đĩa chả luôn giữ vị trí mỹ vị và đã trở thành món ăn không thể thiếu.
Giò là thịt giã trong cối đá cho thật nhuyễn, gói lá chuối thành hình ống, buộc lạt giang, rồi mang luộc, nhưng hấp thì giò ngon hơn. Giò thái theo khoanh, trắng mịn, bày lên đĩa, phải sắt giò cho gọn, trông đẹp mắt và dễ gắp. Khoanh giò trắng mịn, có vài lỗ nhỏ bằng hạt gạo do nước thoát ra thành bọt khi hấp, đó là giò lụa, làm bằng thịt heo (người Bắc gọi là thịt lợn). Nếu dùng thịt bò thì chỉ còn tên là giò bò.
Giò dùng thịt đầu heo thì gọi là giò thủ. Làm Giò thủ, tai heo, thịt thủ, không giã mà thái nhỏ, trộn thêm mộc nhĩ (nấm mèo), nước mắm, hạt tiêu rồi xào chín (xào là chiên trong chảo, giữ lửa cho đều và đảo luôn tay). Xong, gói bằng lá chuối tươi, buộc lạt cho chặt rồi luộc hoặc hấp cách thủy. Khi giò chín, vớt ra rồi ép, dùng 4 thanh tre cặp quanh khoanh giò, cột cho chặt, treo trên bếp. Khi ăn cũng thái như giò lụa.
Thịt đông là món ăn ngày tết đặc trưng của người miền Bắc
Thịt đông là món ngon mâm cỗ ngày Tết miền Bắc và cũng là món riêng có của mùa đông xuân Bắc bộ. Trong làn không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn. Món này được làm từ thịt heo ba chỉ, đôi khi được sử dụng cả gà, cộng thêm một mảng bì lợn. Tất cả đều được ninh nhừ.
Sau khi nấu xong, bạn lấy khỏi bếp và đặt nồi thịt ra ngoài sân, đậy kỹ cho nó ăn gió uống sương, thu lấy cái rét mướt từ trời cao và đất thấp vào mình để sớm hôm sau, nhà ta đã có nồi thịt đông kỳ diệu. Trên mặt của nồi thịt đông là lớp ván mỡ có màu trắng như tuyết pha sắc vàng mịn như mặt hồ không gợn sóng. Một miếng thịt đông kèm một củ dưa hành, thì thật đúng nghĩa Tết bắc.
Thịt bò kho quế
Thông thường, món này được chuẩn bị từ ngày 29 Tết để kịp cúng trưa 30 và mấy ngày Tết. Để làm món này, người ta chọn loại thịt bò nạm. Sau đó ướp với chút nước cốt tỏi, chút mắm muối rồi cho thịt ba chỉ cắt mỏng vào giữa, cuộn tròn lại, dùng lạt buộc chặt rồi chiên sơ trước khi cho vào nồi kho.
Tiếp theo bạn có thể thả miếng thịt bò vào nồi nước sôi đã có sẵn nước tương, chút đường và một miếng quế nhỏ rang thơm, nấu cho đến khi thịt mềm thì vớt ra, để nguội. Gỡ bỏ những cọng lạt và cắt thịt thành khoanh, miếng thịt bò mềm mà chắc chứ không nát, lẫn vào mầu nâu của thịt bò là màu trắng của mỡ heo. Món này bạn có thể ăn kèm với bánh chưng hay cơm nếp vào ngày Tết thì tưởng như không có gì ngon bằng.
Nem
Nem rán là món ăn dễ chế biến, đã trở thành món ăn quen thuộc trong các gia đình Việt Nam, đặc biệt là trong những dịp Tết.
Nguyên liệu để làm nhân nem rán gồm: thịt lợn nạc (ngon nhất là nạc dăm) băm nhỏ, thịt cua bể hay tôm nõn, nấm hương, mộc nhĩ, hành khô, giá sống (hay củ đậu), trứng, hạt tiêu, muối, gia vị…
Tất cả trộn đều rồi dùng bánh đa nem (miền Nam gọi là bánh tráng) đã được nhúng nước cho mềm gói lại thành những cuốn tròn rồi rán chín vàng trong chảo ngập mỡ. Bánh đa nem phải kén loại bánh tráng mỏng và dai để gói thì nem rán sẽ ngon hơn, vỏ giòn mà không bị vỡ. Nước chấm nem rán phải pha chế thật ngon, khéo điều hòa giữa vị mặn của nước mắm ngon, vị ngọt của mì chính, đường (nếu pha bằng nước dừa tươi thì không cần đường), vị chua của chanh (hay dấm) rồi hòa chung với nước lọc, thêm vào ít tỏi băm nhỏ, vài lát ớt tươi sao cho vừa đủ độ mặn, ngọt, chua, cay, dậy mùi thơm của tỏi, ớt.
Bóng nấu thập cẩm
Người miền Bắc đón tết với tiết trời lạnh giá, cho nên một bát canh nóng hổi trên mâm cỗ Tết sẽ giúp cả nhà ấm bụng hơn. Trên mâm cỗ Tết, người miền Bắc không bao giờ quên nấu một bát canh bóng thập cẩm, vừa ngọt vừa thanh cho cả nhà thưởng thức. Hãy xem, để nấu được bát canh bóng trên mâm cỗ Tết, bạn cần có những gì?
Nguyên liệu: ( nấu 2 bát to)
– Bóng bì: 600gam- Thịt lạc 100 gam, xương lợn 300 gam ( hoặc nước luộc gà)- Thịt lợn 100 gam ( hoặc thịt gà thái mỏng), tôm nõn khô 50 gam- Súp lơ 200 gam, su hào 100 gam, đậu Hà Lan 50 gam, cà rốt 50 gam.
– Mì chính, hạt tiêu, muối nước mắm, rau mùi, phèn chua, gừng, rượu trắng, trứng vịt một quả.
Cách làm: 1. Xương lợn rửa sạch, chặt khúc, cho vào nồi cùng một lít nước, đun sôi hớt bọt rồi để sôi lăn tăn. Cho gừng nướng, hành khô đập dập, cùng một ít muối vào nồi nước dùng. Khi thấy nhiều váng, nước dùng trong và xương róc thịt thì đem lọc lấy nước trong.
- Tôm khô rửa sạch cho vào nồi nước dùng đun nhỏ lửa, tôm chín mềm vớt ra con to bổ đôi con nhỏ để nguyên. Bóng bì chọn loại bóng bì thăn dầy không có lông, nở xốp đều. Ngâm trong nước vo gạo khoảng ba giờ, vớt ra rửa bằng nước phèn chua cho hết nhớt và trắng sạch.- Cắt bóng thành miếng hình quả trám to, cho nước gừng, rượu bóp nhẹ để tẩy hết múi hôi khét, rữa lại, vắt khô. Thịt gà và thịt nạc luộc chín thái mỏng. Súp lơ thái miếng vừa ăn. Đậu Hà Lan chọn quả non tước vỏ. Nấm hương ngâm rửa sạch bỏ chân.
Cách bầy bóng:
+ Lấy môt ít nước dùng béo đang sôi, nêm đủ nước mắm, mỳ chính, cho bóng vào chần qua vớt ra để riêng. Các loại rau củ trên đều trần qua nước dùng.
+ Lấy bát to bầy thịt và các loại rau củ xuống dưới, trên mặt bát bầy một lượt bóng, dàn quả đậu Hà Lan, vài cánh nấm. Xen kẽ mấy lát cà rốt đỏ và trứng tráng.
+ Tới giờ ăn đun sôi lại nước dùng, nêm vừa gia vị rồi chan vào bát bóng, rắc rau mùi ăn nóng.
Chân giò ninh măng
Đây cũng là món nấu thông dụng trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc vì dễ ăn, đỡ ngán nấu lại đơn giản. Măng khô là nguyên liệu nhiều chất sơ biết pha chế với chân giò nhiều chất béo tạo thành một món ăn thật độc đáo.
Nguyên liệu: ( làm 2 bát to)
– Chân giò lợn 500 gam
– Măng khô 60 gam, miến dong 10 gam
– Mộc nhĩ 5 gam ,nước mắm, mỹ chính, hạt tiêu, muối, hành khô, hành hoa.
Cách làm:
- Bước đầu tiên, bạn cạo rửa sạch, lọc thịt, đoạn xương ống ghè vỡ làm đôi. Phần thịt cắt miếng to bằng nửa bao diêm, phần móng chẻ làm đôi, chặt khúc tương đương miếng thịt.
- Ướp thịt với nước mắm, muối, hạt tiêu, để khoảng 15-20 phút cho ngấm gia vị và chắc miếng thịt. Sau đó tất cả bỏ vào nồi đổ ngập nước, đặt lên bếp đun sôi, hớt bọt, đập hành củ nước cho vào cho thơm nước dùng. Đậy hở vung, giảm nhiệt độ để sôi lăn tăn, ninh thịt chín mềm.
- Dùng nước gạo ngâm măng khô trong 2-3 ngày, vớt ra phải luộc vài lần khi nào nước không còn thẫm màu nâu, hết chất đắng, thì rửa lại bằng nước lã, mới đem ra thái vát ngang thớ to bản.
- Mộc nhĩ chọn loại dày cánh, ngâm nở, cắt bỏ chân, cọ rửa sạch, thái nhỏ để nguyên, cái to, cắt làm đôi, làm ba. Miến ngâm vào nước hơi nóng cho mềm vớt ra để ráo, cắt đoạn 8-10 cm. Hành hoa nhặt rửa sạch, cắt lấy phần hành củ dài khoảng 10 cm.
- Đun mỡ nóng già phi thơm hành băm nhỏ, cho măng vào xào, nêm vừa mắm muối, cho thịt chân giò vào đảo đều cho ngấm gia vị. Đổ nước dùng đun tiếp cho thịt và măng chín dừ, cho mộc nhĩ đun sôi trở lại, nêm đủ gia vị vừa ăn. Trước khi bắc ra cho miến và hành hoa vào chần.
- Múc măng vào bát to, múc chân giò và mộc nhĩ bày lên trên, bày miến và hành hoa vắt lên trên cùng, chan nước xăm xắp, rắc hạt tiêu ăn nóng.
Tu khoa:
- món ăn ngày tết miền nam
- món ngon ngày tết dễ làm
- món ăn ngày tết miền trung
- mâm cỗ ngày tết miền bắc
- tự chế biến món ăn ngày tết
- các món trong mâm cỗ giỗ
- mâm cỗ ngày tết miền nam
- mon ngon ngay tet nguyen dan
Để lại một bình luận