6075c7466f4ae
6075c7466f4ae
Khi chuyến xe hành hương chùa Bà Chúa Xứ Châu Đốc vừa qua phà Vàm Cống thì bác tài xế lên tiếng rằng xe sẽ ghé quán ăn trưa, bởi nếu chạy suốt đến Châu Đốc sẽ không có quán nào ăn được, ăn tại khu vực núi Sam thì đồ ăn lại càng tệ và dễ bị “chặt chém”.
Có phải các tiệm ăn ở Châu Đốc đều mắc và không ngon? Điều này phần nào đó cũng đúng bởi thị trấn quanh chùa Bà hầu như không có tiệm ăn nào ngon miệng và giá cả vừa phải như thường thấy ở các đô thị miền Nam khác.
Đến thị trấn Chùa Bà đúng vào cữ ăn xế, chúng tôi dạo một vòng tìm quán ăn để lót bụng; theo kinh nghiệm dân giang hồ – bình dân, chúng tôi hết sức chú ý đến những gánh hàng rong.
Ở Việt Nam hiện nay, ăn uống hàng rong là một chuyện liều lĩnh đối với du khách nhưng nếu không cả gan thử thách ruột non, ruột già thì không thể biết đến cái thú bậc nhất là nếm món ngon từ vương quốc hàng rong miền Tây.
Chúng tôi thả bộ vòng vòng, mắt luôn ngắm nghía các gánh hàng rong và tin rằng gánh nào đông dân địa phương ngồi ăn xì xụp thì khả năng món đó an toàn đường ruột và cái miệng không phải hối tiếc.
Cả khu vực chùa Bà tràn ngập trăm thứ món ăn hàng rong, bất chợt chúng tôi nhìn thấy một gánh hàng ăn tấp nập khách ăn gồm dân xe lôi, xe ôm, vé số, và có cả các tay chủ khách sạn, nhà nghỉ… Gánh hàng bày kề bên bậc tam cấp của lăng ông Thoại Ngọc Hầu.
Tấp vô hỏi thăm, chúng tôi được biết đó là gánh bún cá. Bún cá miền Tây lục tỉnh ở đâu mà chẳng có nên gọi là đặc biệt là nói thừa. Món bún cá với mùi mắm thoang thoảng kén khách thị dân trung lưu, nhưng lạ thay đã phổ biến đến đất Sài Gòn; và nếu ở Sài Gòn muốn thưởng thức thì có chợ Việt kiều Campuchia khu Hồ Thị Kỷ quận 10 luôn nóng hổi món bún cá.
Chúng tôi quyết định làm một tô bún cá Châu Đốc với ý tìm hiểu coi bún cá xứ này gồm nguyên liệu gì và nêm nếm nước lèo bằng thứ mắm gì. Chị bán bún cá sau một lúc e dè liên tâm sự chuyện nghề nghiệp.
Chị nói đúng kiểu dân miền Nam: “Tui không sợ anh ăn cắp nghề đâu, mà anh có ăn cắp được thì anh giàu anh hưởng chứ tui có can dự gì. Nhà tui ba đời bán bún cá rồi, tới đời con tui cũng vậy thôi, bà thương bà phù hộ cho bán được, đủ đong gạo ăn, cần gì ông lên bà xuống. Trước đây tui có người bà con được nhà hàng ở Sài Gòn xuống nước lên nấu bún cá, trả cho mấy chục triệu, làm mới được một tháng họ ăn cắp nghề rồi đuổi về, lại gánh đi bán, có người nói bà đó ngu, tui nói bả có mấy chục triệu, lại được đi Sài Gòn chơi khỏe re, còn đời bán bún là bán bún, mơ tưởng thay đổi thêm mệt.”
Ngồi xề bên gánh bún cá, trên thì trời nắng như đổ lửa, dưới thì mặt đường nhựa như lò than, tô bún cá nóng hổi nghi ngút khói thơm lừng, ăn bún cá kiểu này thì đúng là có một không hai, nhưng phải nói món bún cá của chị ăn vừa miệng tới mức quên cả thời tiết nóng bức.
Chị cho biết mà chị mấy chục năm bán bún cá quanh chùa, má chết đi, truyền lại cho chị một gánh ở cổng trước chùa, chị dâu chị một gánh bán ở cổng
sau chùa. Hai giờ trưa chị dọn hàng bán tới năm, sáu giờ là hết, rồi chị dâu chị dọn hàng bán tới khuya. Chúng tôi hỏi quý danh má chị, chị nói tên bà Hoa, hỏi tên chị, chị cười toe toét nói: “Thì má tên Hoa con tên gì anh đoán cũng biết rồi, hỏi chị nữa.” Chúng tôi nói. “Chị tên Nở hả?” Chị cười thật tươi.
Chị bán bún cá nói: “Với anh, tui mới nói cá nấu bún là cá lóc bông, với người khác tui chỉ nói cá lóc. Người ta sợ ăn cá lóc bông bị phong nhưng chỉ nấu cá lóc bông nước lèo mới không tanh và thịt mới dai. Cá lóc ngày nay toàn là cá nuôi, mà đặc biệt, con cá lóc bông nuôi thịt cũng không tanh.”
Chúng tôi gọi chuyện rằng ở những miệt khác người ta nấu bún cá nêm nước lèo bằng mắm bò hóc, chị có nêm thứ mắm đó không? Chị cho biết là chị không nêm thứ mắm đó, vì thứ mắm của người Miên đó đâu phải dễ có, cả thị trấn Châu Đốc này chỉ có một chỗ bán đúng mắm bò hóc thôi, tìm chỗ thứ hai không ra đâu. Bún cá của chị nêm thứ mắm khác và đó là bí quyết kiếm cơm của gia đình chị.
Góp thêm chuyện với chúng tôi là một ông già ngoài 70 nói giọng lơ lớ người Tàu Minh Hương. Ông cho biết, mắm bò hóc của bà con người Miên mình làm mới thiệt là ngon, nhưng đời bây giờ không còn ngon như xưa. Con ông đi du lịch Campuchia mang về một hũ mắm bò hóc nhưng ăn dở đến mức phải bỏ đi.
Chúng tôi ăn thêm một tô bún cá nữa; vừa ăn tối vừa hỏi chị “Nở”: “Giá một tổ bún 15.000 đồng, mà ngày nào chị cũng bán hết một nồi nước lèo bự và mấy chục ký bún chắc là gia đình chị khá lắm?”.
Chị nói: “Anh coi vậy chớ hổng phải vậy, dân cùng cảnh khổ với mình nên thường ăn thiếu, ăn chịu, mỗi người thiếu vài tô, mấy chục mấy trăm người thiếu.
Anh coi, có người trả, có người mới trả bữa trước bữa sau lại ăn thiếu không lẽ không bán, có người thiếu bỏ đi mất tiêu, không phải họ trốn mình vì mấy tô bún mà họ gặp cảnh nghiệt phải trốn làm mình cũng nghiện theo.”.
Trong thời buổi suy thoái kinh tế, Việt Nam lúc lên lúc xuống bất thường, đại gia, chủ cả, người sang, kẻ hèn phá sản, vỡ nợ bỏ trốn không biết bao nhiêu mà kể, thế nên thiệt lòng chúng tôi mong là nếu năm sau trở lại chùa Bà mà gánh bún cá của chị vẫn còn y ở đó, tô bún cá của chị vẫn còn ngon cỡ đó thì ấy là niềm vui của chúng tôi và hạnh phúc của chị.
6075c7466fd82
6075c7466fd82
Để lại một bình luận